Công nghệ và kĩ thuật khác nhau như thế nào?

Kỹ thuật (technique) và công nghệ (technology) đều có chung một gốc từ “téchne” (Hy Lạp), có nghĩa là “năng lực”, “tài khéo”. Nhưng “công nghệ” (technology) lại có thêm cái đuôi “logy”, từ gốc Hy Lạp “lógos”, là môn học hay phương pháp, do đó, đúng ra phải gọi là công nghệ học. Sự khác nhau chính là ở cái đuôi ấy!

“kỹ thuật” là một phương pháp được sử dụng để đạt một kết quả nhất định, là cách thức tiến hành một hoạt động cần đến tài khéo. Trong khi đó, “công nghệ” là sự hiểu biết về một kỹ thuật, là việc sử dụng các khám phá khoa học và kỹ thuật trong thực tiễn, nhất là trong công nghiệp, chẳng hạn, công nghệ sinh học sử dụng kỹ thuật biến đổi gen để sản xuất đại trà một sản phẩm nào đó (kỹ thuật ấy vận hành như thế nào? Những nguy cơ và khả năng của nó? v.v.)

“Công nghệ” là hệ quả của kỹ thuật, vừa bao hàm những thành tố của kỹ thuật (công cụ, máy móc…), vừa áp dụng các phương pháp lý, hoá, sinh (tức những kỹ thuật) trong một mạng lưới tiếp liệu nhằm thu hoạch, chế biến hay sản xuất những chất liệu hay sản phẩm nhất định. Công nghệ, vì thế, có một bối cảnh lịch sử văn hoá, trở thành từ đồng nghĩa để chỉ một thời đại (như thời đại đồ đồng, đồ sắt, thời đại thông tin) hay một nền văn hoá (văn hoá lúa nước, văn hoá đồ gốm…) Làm việc với một kỹ thuật sẵn có, công nghệ xác định khuôn khổ cho năng suất về chất (tôi có thể sản xuất cái gì, với những điều kiện tiên quyết nào) cũng như về lượng (phí tổn, tỷ suất tăng trưởng). “High-Tech” và “Low-Tech” là khái niệm khá hàm hồ, được hiểu là công nghệ cao và công nghệ thấp, nhưng thực ra bao hàm trong đó (thường là một cách cố ý!) những giải pháp kỹ thuật phức tạp hoặc đơn giản, những kỹ thuật sản xuất tốn kém hoặc rẻ tiền.