Môi trường
Vì sao rác ngày một nhiều?
Người ta dễ dàng bắt gặp những đống rác bị vứt la liệt trên đường hay các khu dân cư, bãi biển. Không chỉ ở đô thị mà ở nông thôn lượng rác thải xả ra môi trường cũng đang ở mức báo động. Vì sao rác lại sinh sôi nhanh như vậy?
Ý thức người dân: Đây là nguyên nhân đầu tiên. Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường và việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền, nhà nước. Chính vì nhận thức đó đã dẫn đến việc thờ ơ, vô trách nhiệm trong việc xử lý rác thải. Người dân vứt rác ra sông, xả rác bừa bãi trên đường, đốt rác, chôn rác không đúng cách…Điều này cũng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về môi trường. Họ không nhận thức được sự nguy hại khi rác bị vứt đi tràn lan, đơn giản họ nghĩ rằng nhà mình sạch sẽ là được. Những suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường của các thế hệ trẻ về sau.
Doanh nghiệp thiếu trách nhiệm: Khi nói đến các sự cố môi trường, người dân Việt Nam hẳn là sẽ không quên vụ ô nhiễm nghiêm trọng của Fomosa ở Hà Tĩnh. Sự cố môi trường biển làm hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung xảy ra vào đầu tháng 4/2016 đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt đối với 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Nhiều doanh nghiệp đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, gây ô nhiễm môi trường đáng kể. Mặt khác, hệ thống xử lý nước thải tại một số khu công nghiệp chưa hoạt động hiệu quả, nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm được thải liên tục ra sông, hồ gây nhiễm độc nguồn nước tự nhiên.
Quy định của chính quyền còn nhiều bất cập: Theo thống kê của Bộ Tư Pháp, hiện nay có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế, các quy trình kỹ thuật, quy trình sử dụng nguyên liệu trong sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là khá phổ biến, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế… trong việc bảo vệ môi trường. Các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế.