“Biến” rác thải thành hoa trái

Đã thành thói quen, đúng 4h chiều hàng ngày, người dân xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định cứ nghe thấy tiếng kẻng quen thuộc lại rủ nhau đem những túi rác thải đã được phân loại ra tận đầu ngõ, nơi có chiếc xe chở rác đợi sẵn cùng với người thu gom đang đứng đợi. Những gia đình có việc đi vắng, không kịp đưa rác ra xe cũng cẩn thận để sẵn loạt túi đã được phân loại riêng (loại tiêu hủy được và không tiêu hủy được). Sau khi thu gom tập trung, nhân viên thu rác sẽ đi một lượt từ đầu đến cuối xóm thu nốt các túi này về nơi tập kết cuối cùng.

Cũng từ mấy tháng nay, nhờ không còn rác lưu cữu, ngõ xóm ở xã Nghĩa Trung sạch đẹp hẳn, không còn cảnh ruồi muỗi bâu kín cùng mùi hôi thối nồng nặc như trước, khi rác thải của mỗi hộ gia đình còn vứt vô tội vạ, chồng chất khắp nơi.

Rác thải được gom, ủ rác thành phân hữu cơ

Rác thải được gom, ủ rác thành phân hữu cơ

Luôn có mặt hàng ngày tại khu vực thu gom rác thải, anh Tống Văn Đông, Bí thư đoàn xã Kiến Trung liên tục nhắc nhở, hướng dẫn các đoàn viên thực hiện đúng quy trình gom rác, trộn chế phẩm sinh học, ủ đúng cách. Sau 5- 10 ngày rác đã hoai mục, hoàn toàn mất mùi trở thành phân hữu cơ rất tốt cho những ruộng hoa màu đang kỳ phát triển ngoài cánh đồng. Anh Thuấn cho biết, mô hình sản xuất phân bón này được tập thể Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Trung, triển khai từ 5/2013. Với sự hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật và chế phẩm từ Viện công nghệ Môi trường (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ) những đoàn viên thanh niên với tinh thần tự nguyên đã ứng dụng thành công quy trình xử lí rác thải hữu cơ thành phấn bón chất lượng cao, giúp tăng năng suất cây trồng.

Giờ đây với mỗi hộ gia đình trong xã, rác đã là tiền, là lợi nhuận. Từ chính nguồn rác thải này, sau khi được xử lí sẽ trở thành phân bón hữu cơ quay ngược trở lại với các gia đình. Việc rác được dọn sạch khiến đường làng, ngõ xóm tinh tươm, lại có thêm phân bón chất lượng tốt giúp tăng năng xuất cây trồng đã trở thành niềm vui tự hào của mọi người dân trong xã. Đứng chờ đến lượt nhận phân về bón cho ruộng cải bắp đang kỳ chăm sóc, chị Ngần ở xóm 9, xã Nghĩa Trung vui vẻ cho biết: Nhờ có nguồn phân bón tốt, ruộng hoa màu của chị cùng nhiều gia đình khác trong xóm đã tăng năng suất đáng kể. Câu chuyện của chị em trong xóm bây giờ luôn xoay quanh việc thu rác, ủ phân thế nào thì đạt hiệu quả  cao nhất.

Nguồn phân hữu cơ từ rác thải giúp nông dân xã Nghĩa Trung tăng năng suất cây trồng.

Nguồn phân hữu cơ từ rác thải giúp nông dân xã Nghĩa Trung tăng năng suất cây trồng.

“Còn nhớ những ngày đầu thực hiện mô hình sản xuất phân hữu cơ tại chỗ, mỗi đoàn viên phải mất cả ngày trời đến từng gia đình vận động mọi người cùng tập trung rác để buổi chiều xe đến gom rác về. Lúc đầu không ít người hoài nghi, thậm chí không tin tưởng chúng tôi sẽ thành công. Nhưng rồi, tận mắt thấy phân bón thành phẩm chất lượng tốt, rồi lại thấy mọi đoàn viên tham gia thực hiện hoàn toàn tự nguyện và tích cực nên các hộ dân đã dần ủng hộ và tham gia nhiệt tình. Đến nay, việc thu gom, phân loại rác thải ngay tại đầu nguồn đã trở thành thói quen của mỗi hộ gia đình trong xã. Kết quả thì thấy rõ, làng xóm giờ sạch, đẹp. Nguồn rác thải trước kia nay trở thành phân bón đã giúp bà con tiết kiệm khoản chi phí đáng kể trước phải dùng để mua phân bón cho cây trồng ”- Anh Thuấn hồ hởi nói.

Được biết, sau khi mô hình hoạt động đều đặn và hiệu quả, trong thời gian tới các đoàn viên thanh niên xã sẽ phổ biến kiến thức đến bà con nông dân hoặc một cụm dân cư để mọi người  có thể chủ động tự gom, ủ rác sản xuất thành phân hữu ngay tại gia đình.

Đáng mừng hơn nữa, lãnh đạo đảng huyện Nghĩa Hưng cũng đã nhìn nhận rõ thành công và lợi ích từ mô hình mẫu của tập thể Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Trung. Hiện nay, cán bộ chuyên trách của huyện đang xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình này, một mặt giúp bà con có nguồn phân bón nâng cao hiệu suất cây trồng, mặt khác sẽ giải quyết triệt để vấn nạn rác thải đang gây ô nhiễm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người dân khắp các làng quê trong thời gian qua.

Bảo vệ Môi trường với chiến dịch hạn chế rác thải nhựa