Khai thác thủy hải sản bằng mìn

Đánh bắt cá bằng mìn, thuốc nổ, điện hiện là một trong những phương pháp khai thác thủy hải sản nguy hiểm và mang tính hủy diệt hiện đang được các ngư dân sử dụng. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tình trạng này và các cơ quan chức năng cũng đã có những hình thức xử phạt hay răn đe nhưng vẫn chưa thể ngăn cấm triệt để được.

Phương pháp mang tính hủy diệt

Khi sử dụng mìn hay thuốc nổ để đánh bắt thủy hải sản, ngư dân chỉ việc kích hoạt ngòi nổ rồi ném xuống nước. Vụ nổ sẽ gây chấn động dưới nước và làm chết tôm cá ở một diện rộng, sau đó ngư dân chỉ việc lặn xuống nước vớt những con cá đã chết (thường là cá to) và vớt những con cá nhỏ chết nổi lên mặt nước. Phương pháp này khiến cho việc đánh đắt diễn ra nhanh, gọn, nhẹ, không tốn nhiều nhân lực và sức lực tuy nhiên hậu quả lại khôn lường. Bởi lẽ, việc sử dụng mìn/thuốc nổ khai thác thủy hải sản không chỉ khiến cho tôm cá chết mà còn lấy đi sự sống của rất nhiều sinh vật tại khu vực đánh bắt và đe dọa đến hệ sinh thái biển.

Những vụ nổ do đánh bắt thủy hải sản bằng mìn/thuốc nổ không chỉ phá hủy nơi cư trú của tôm các và các loại động vật biển khác mà còn có nguy cơ tiêu diệt luôn các rạn san hô. Tôm cá chết, san hô không còn thì biển sẽ trở thành nơi hoang tàn. Những chất độc hại từ mìn/thuốc nổ được thải vào trong môi trường biển và xác tôm cá chết không được vớt hết bị phân hủy sẽ khiến ô nhiễm môi trường biển, sự sống sẽ không còn. Thời gian trước, người dân đã từng rất hoang mang và phẫn nộ khi chứng kiến sự hoàng tàn của một số vùng biển bị nhiễm độc do các chất thải công nghiệp được thải ra biển thông qua các clip được các nhà khoa học quay lại.

Bên cạnh đó, khai thác thủy hải sản bằng mìn/thuốc nổ rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của các ngư dân vì hầu hết mìn/thuốc nổ được sử dụng đều là tự chế. Đã từng có rất nhiều trường hợp sau khi ném mìn/thuốc nổ xuống nước, các ngư dân trên thuyền cũng bị hất tung ra xa, rơi xuống biển và tử vong do sức sát thương của vụ nổ. Nhiều trường hợp may mắn thoát chết nhưng bị thương nặng, để lại thương tật vĩnh viễn trên cơ thể, trở thành gánh nặng của người gia đình và người thân. Tuy nhiên, những trường hợp tang thương đó vẫn chưa “thức tỉnh” được những người ham lợi nhuận mà bất chấp tất cả.

Biện pháp nào để ngăn chặn?

Để có thể ngăn chặn được ngư dân sử dụng phương pháp khai thác thủy hải sản bằng mìn/thuốc nổ thì việc đầu tiên cần làm là nâng cao được ý thức của người dân bằng cách tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng,… Hiểu rõ được hậu quả khôn lường của việc sử dụng phương pháp hủy diệt này đối với môi trường và chính cuộc sống của bản thân thì người dân sẽ ngừng việc sử dụng mìn/thuốc nổ để khai thác.

Ngoài ra, các lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác phối hợp với nhau trong các hoạt động kiểm tra, giám sát các hoạt động đánh bắt trên biển và có hình thức xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm. Và một trong những biện pháp cần thiết nhất là cần ngăn chặn và “xóa sổ” được những đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép thuốc nổ.