Môi trường
Hết Hà Nội, đến Sài Gòn đối diện với ô nhiễm không khí ở mức báo động
Trong khoảng thời gian cuối tháng 11, thành phố Hồ Chí Minh phải đối diện với tình trạng không khí mù dày đặc, có thể che khuất tầm nhìn người đi đường, khiến giao thông trở nên khó khăn, đồng thời người dân hết sức e ngại về vấn đề sức khỏe. Cơ quan chức năng tiến hành quan trắc không khí, kết quả cho thấy chỉ số bụi do ô nhiễm không khí tại thành phố Hồ Chí Minh quá giới hạn an toàn.
Ô nhiễm không khí trầm trọng tại thành phố Hồ Chí Minh
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 14/11, ở Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện bụi mù dày đặc tại hầu hết các điểm trong thành phố. Ứng dụng Air Visual cũng đã thể hiện màu đỏ, điều đó có nghĩa là mức độ ô nhiễm không khí này đã đến mức có hại cho sức khỏe. Cho đến ngày 21/11, hiện tượng này vẫn còn diễn ra và không có dấu hiệu suy giảm. Trước đó, trong tháng 9, cũng đã có một đợt ô nhiễm không khí diễn ra tại thành phố này. Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí này diễn ra ngày càng thường xuyên. Theo như lý giải của chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan thì bụi mù chủ yếu do không khí ô nhiễm gây nên, bởi vì mùa này ở miền Nam là mùa khô, độ ẩm không cao tới tạo sương mù. Phương tiện giao thông, các công trình xây dựng đang thi công, nhà máy hoạt động xả khí thải chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng ô nhiễm đồng thời, thời gian này, gió hoạt động yếu làm giảm khả năng phát tán chất ô nhiễm.
Người dân nên đeo khẩu trang hoạt tính có khả năng ngăn bụi mịn để bảo vệ sức khỏe
Các đơn vị chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành quan trắc và phân tích nguyên nhân cụ thể. Theo như kết quả quan trắc tại 30 điểm trong thành phố thì tỷ lệ các chất ô nhiễm như CO2, NO2,CO,… tăng lên đột biến. Một trong những khó khăn ở đây là thành phố thực hiện quan trắc chất lượng không khí theo phương pháp thủ công nên kết quả kiểm tra hơi chậm để cảnh báo đến người dân. Trong thời gian tới, thành phố sẽ dự kiến xây dựng 9 trạm quan trắc tự động nhằm nắm bắt nhanh chóng tình hình ô nhiễm không khí và thông tin đến người dân kịp thời. Điều này là rất cần thiết, bởi tại thành phố Hồ Chí Minh, lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông đúc, thậm chí nhiều xe tải, xe container hoạt động cả ngày lẫn đêm nên lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường rất lớn.
Với tình hình ô nhiễm không khí ở mức báo động, người dân nên hạn chế ra ngoài đặc biệt là những nơi giao thông đông đúc. Nếu có việc cần ra ngoài, nên thường xuyên sử dụng khẩu trang hoạt tính có khả năng ngăn cản bụi mịn để bảo vệ sức khỏe bởi vì các loại bụi này nếu đi vào cơ thể sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp, thậm chí là ung thư nếu tích tụ lâu ngày. Ngoài ra, người dân cũng nên tăng cường trồng cây xanh khu vực mình sinh sống để thanh lọc không khí.
Hà Nội tiếp tục rơi vào top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Pingback: Gần 14.000 container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển