Môi trường
Hà Nội tiếp tục rơi vào top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Những tháng cuối năm 2019, Hà Nội phải đối diện với tình hình ô nhiễm không khí nặng với mức xấu có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Và cho đến 30/1/2020, Hà Nội vẫn duy trì mức độ ô nhiễm, thậm chí rơi vào top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.
Ô nhiễm không khí mức báo động tại Hà Nội
Chất lượng không khí không những chưa cải thiện mà còn rơi vào mức báo động tại Hà Nội khiến cho người dân sinh sống ở đây vô cùng lo lắng. Trong nhiều ngày từ 30/1 đến 3/2/2020, theo cách tính AQI của Mỹ về đo lường chất lượng không khí thì Hà Nội liên tục lọt top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Cụ thể, trong ngày 31/1, Hà Nội đứng thứ 5/96 thành phố ô nhiễm nhất thế giới và đến ngày 2/2 thì Hà Nội đã tăng vọt lên vị trí thứ 2 thế giới. Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới (Air Visual) cảnh báo ở ngưỡng màu tím – ngưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe mọi người đối với không khí tại Hà Nội.
Cũng theo kết quả quan trắc không khí của tổ chức này tại Hà Nội thì đa số các điểm quan trắc đều cho kết quả màu đỏ (ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe) và màu tím, có rất ít điểm quan trắc cho kết quả chất lượng không khí ở ngưỡng màu vàng và màu cam.
Nhiều tỉnh thành khác đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí
Không riêng Hà Nội, nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng đối diện với chỉ số ô nhiễm không khí cao ngất ngưỡng. Các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định,… đều ở mức màu đỏ. Thậm chí, nhiều điểm quan trắc ở ven biển Hải Phòng, Hạ Long, Thái Bình,…ở mức màu đỏ với chỉ số rất cao gần với ngưỡng tím.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí ở mức xấu. Tuy nhiên, kết quả quan trắc những ngày đầu tháng 2/2020, chỉ số chất lượng không khí đã được cải thiện, chuyển từ ngưỡng màu cam sang màu vàng.
Vấn đề ô nhiễm không khí cùng với dịch bệnh do virus Corona đang diễn biến phức tạp hiện nay khiến người dân không khỏi lo lắng. Vì thế, mỗi người, mỗi nhà nên chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa đồng thời tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng tăng đề kháng cho cơ thể để vượt qua thời gian dịch bệnh.
Hà Nội với mức độ dân cư và phương tiện đông đúc cùng với thời tiết thay đổi trong thời gian giao mùa là những nguyên nhân gây ô nhiễm. Mỗi người cần tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống để có thể giúp cải thiện chất lượng không khí và đem lại môi trường sống lành mạnh cho bản thân cũng như cho cộng đồng.
Pingback: Hết Hà Nội, đến Sài Gòn ô nhiễm không khí ở mức báo động