Kiến thức kỹ năng
Ngành Quản lý Tài nguyên Môi trường và Ngành Kỹ thuật Môi trường
Khái niệm về ngành Quản lý Tài nguyên Môi trường và Ngành Kỹ thuật Môi trường. Bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau chỉ ra sự khác nhau của 2 chuyên ngành chính trong ngành Môi trường nhé!
Xã hội càng hiện đại, con người càng lo lắng cho môi trường sống xung quanh họ. Vì nhiều lý do khác nhau, các chuyên ngành về Môi trường ngày càng trở thành tâm điểm tìm kiếm và theo học của các bạn trẻ; nhưng nói về các ngành nghề Môi trường nó lại không hề đơn giản, nếu bạn chỉ mới bắt đầu tìm hiểu thì có thể sẽ rất dễ nhầm lẫn và dẫn đến việc lựa chọn nhầm ngành nghề cho bản thân.
Khái niệm chung ngành học
Ngành Quản lý Tài nguyên Môi trường thiên về hoạch định chính sách quản lý (song vẫn đòi hỏi người học nắm bắt kiến thức vận hành kỹ thuật cơ bản), đòi hỏi người học có kiến thức rộng, bao quát mọi lĩnh vực. Vì để hoạch định ra một chính sách quản lý môi trường, người ta cần am hiểu về môi trường sống, về tài nguyên, con người, động thực vật, nguồn nước, tập quán sinh hoạt, thổ nhưỡng…
Trong khi đó, ngành Kỹ thuật Môi trường lại thiên về vận hành kỹ thuật (người học vẫn cần nắm bắt kiến thức cơ bản về quản lý môi trường). Ví dụ cụ thể, ở Nhà máy nước Thủ Đức, kỹ sư Kỹ thuật Môi trường phải biết cách thiết kế, vận hành hệ thống xử lý nước, đồng thời chủ động cập nhật các công nghệ mới để ngày càng nâng cao chất lượng và giảm chi phí vận hành.
Kỹ năng nghề nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên Môi trường
Khi theo học ngành Quản lý Tài nguyên & Môi trường sinh viên sẽ được trau dồi các kỹ năng sau:
– Biết vận dụng hiểu biết về công nghệ thân thiện môi trường để hỗ trợ các tổ chức, đơn vị hành chính cũng như kinh doanh;
– Có khả năng phân tích, đánh giá, đề xuất giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, quản lý tài nguyên và môi trường, xây dựng các chính sách tài nguyên và môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững;
– Có khả năng tham gia công tác quản lý và quy hoạch sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên, sử dụng thành thạo các công cụ trong công tác quản lý môi trường;
– Có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai các chính sách môi trường, tài nguyên, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hiểu rõ các qui định pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường nhằm góp phần nâng cao hiệu suất hoạt động của tổ chức cũng như góp phần nâng cao thương hiệu của doanh nghiệp;
– Có khả năng làm việc độc lập hay phối hợp trong việc nghiên cứu, xây dựng các chính sách, giải pháp để quản lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên;
– Có kỹ năng ngoại ngữ đủ để sử dụng trong môi trường hội nhập quốc tế (chứng chỉ B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam). Các kiến thức môi trường biển là điểm nhấn đặc biệt, khác biệt giữa sinh viên theo học tại Đại học Duy Tân và các trường đại học khác về ngành này trong cả nước.
Còn với ngành Kỹ thuật Môi trường:
– Nhận biết các vấn đề về môi trường, phân tích được hiện trạng, đề xuất được các biện pháp và giải quyết được các vấn đề trong xử lý nước thải, khí thải, rác thải;
– Phát triển các giải pháp công nghệ, kỹ thuật trong xử lý nước thải, khí thải, rác thải;
– Vận hành, quản lý các hệ thống xử lý chất thải;
– Thiết kế, xây dựng các hệ thống xử lý chất thải; Quản lý môi trường;
– Có kỹ năng ngoại ngữ đủ để sử dụng trong môi trường hội nhập quốc tế (chứng chỉ B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam).
Cơ hội việc làm ngành Quản lý Tài nguyên Môi trường
Do xu hướng sản xuất và tiêu dùng xanh, sạch của thế giới ngày một tăng cao và Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó nên nhu cầu nhân lực trong ngành này ngày càng trở nên khan hiếm. Mặt bằng chung về lương và các chế độ đãi ngộ cũng có nhiều hấp dẫn.