Khí hậu
Tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới hiện nay và biện pháp đối phó
Biến đổi khí hậu là vấn đề đang nhận được sự quan tâm hàng đầu không chỉ của chuyên gia mà của tất cả mọi người đang hít thở chung một bầu không khí trên Trái đất bởi vì nó có khả năng gây nên những thay đổi lớn ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, bầu khí quyển và khí hậu.
Tình hình biến đổi khí hậu hiện nay
Khí hậu trên trái đất được nghiên cứu qua thời gian dài và đúc kết lại bằng thời tiết bình quân hoặc sự phân bố các hiện tượng thời tiết bình quân như mức độ trung bình từ nhiệt độ, lượng mưa, gió, độ ẩm, bão, …theo các mùa tại các nơi khác nhau trên trái đất. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của thời tiết, khí hậu so với mức bình quân đã được ghi nhận trong thời gian dài. Trong lịch sử đã chứng kiến vài lần biến đổi khí hậu nghiêm trọng đó là những thời kỳ nóng(thời kỳ gian băng) và lạnh(thời kỳ băng hà) kéo dài lên đến hàng vạn năm. Thời kỳ băng hà cuối cùng trên trái đất xảy ra cách đây là hơn 10.000 năm và hiện nay chính là giai đoạn ấm lên của thời kỳ gian băng. Nguyên nhân của sự ấm lên này là do sự thay đổi độ nghiêng trục quay trái đất, sự thay đổi quỹ đạo quay của trái đất quanh mặt trời, vị trí các lục địa cũng như đại dương và sự thay đổi thành phần khí quyển. Trong những nguyên nhân trên thì con người chúng ta góp phần tác động đến sự thay đổi thành phần khí quyển và làm nóng bầu khí quyển với lượng khí CO2 và một số lượng khí nhà kính khác như NOx, CH4, CFC tăng lên rõ rệt. Lượng khí này xuất phát từ các phương tiện giao thông, các nhà máy công nghiệp, các nguyên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá, …
Băng tan là một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu
Sự biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng tiêu biểu là sự nóng lên của trái đất những hiện tượng thời tiết bất thường như băng tan, nước biển dâng cao, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán, giá rét kéo dài,… Chính những thay đổi bất thường này khiến cho tình hình dịch bệnh tăng lên, mùa màng thất bát, thiếu thực phẩm, lương thực. Và hậu quả của hàng loạt tác động từ biến đổi khí hậu đã diễn ra đó là 250 triệu người bị ảnh hưởng bởi các trận lụt ở Nam Á, Châu Phi và Mexico; các vụ cháy rừng nghiêm trọng tiêu biểu là cháy rừng Amazon; các trận bão ngày càng lớn và cường độ mạnh hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn; …
Sự nóng lên của trái đất, băng tan khiến mực nước biển dâng cao. Và theo dự báo, đến cuối thế kỉ XXI, nhiệt độ trung bình sẽ tăng từ 2-4,50C và mực nước biển toàn cầu cũng tăng từ 0.18m đến 0.59m. Và một điều đáng buồn là Việt Nam sẽ là 1 trong 4 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Như bạn cũng đã thấy, số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam ít đi nhưng số cơn bão mạnh ngày càng nhiều đồng thời, hướng di chuyển cũng phức tạp, khó lường và khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ xưa nay vốn dĩ không biết tới bão thì giờ lại thường xuyên hứng chịu những cơn bão bất thường.
Các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu
Để đối phó với biến đổi khí hậu thì cần sự chung tay của cả cộng đồng
Đối phó với biến đổi khí hậu là một việc lớn cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người trên thế giới. Theo ý kiến của các chuyên gia thì một số biện pháp nên được thực hiện để hạn chế biến đổi khí hậu đó là:
- Cải tạo, nâng cấp hạ tầng: nên tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng thân thiện môi trường cải thiện tình trạng phát tán khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông khoa học cũng giảm thiểu đáng kể lượng khí thải từ các phương tiện giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch: Nhiên liệu hóa thạch như dầu khí thiên nhiên, than,…gây ra hiệu ứng nhà kính rất lớn. Chính vì vậy, nên hạn chế các loại nhiên liệu này bằng cách tìm kiếm các nguyên liệu thay thế, chẳng hạn nguyên liệu sinh học.
- Bảo vệ tài nguyên rừng: Rừng được ví là “lá phổi xanh” của hành tinh nhưng hiện nay tình trạng chặt phá rừng đang diễn ra khắp nơi rất đáng báo động. Cần phải tuyên truyền vận động cũng như ngăn chặn việc chặt phá rừng đồng thời khuyến khích trồng cây xanh để giúp bảo vệ môi trường sống.
- Tiết kiệm điện, nước: đây là việc mà từng người, từng nhà nên làm để hạn chế ô nhiễm môi trường và cũng chính là giữ nguồn nước cho tương lai.
- Tăng cường sử dụng sản phẩm hữu cơ: Việc gia tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ sẽ khiến các nhà sản xuất nông nghiệp hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, hạn chế được ô nhiễm môi trường.
Biến đổi khí hậu là vấn đề không của riêng ai. Chính vì thế, mỗi người, mỗi nhà nên làm những việc có thể để cải thiện môi trường sống của chính mình, và đó cũng là một trong những hành động thiết thực góp phần cải thiện vấn đề biến đổi khí hậu có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn cầu.
Pingback: Thác nước lớn nhất thế giới cạn khô vì biến đổi khí hậu