Kiến thức kỹ năng
Bảo vệ môi trường cần tự giác và trách nhiệm
Hiện nay, Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đang rơi vào tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để môi trường xanh sạch, nhiều cá nhân, tổ chức đã phát động những phong trào làm sạch, đẹp môi trường: dọn rác, trồng cây, thay đổi lối sống, sử dụng các sản phẩm thân thiện với thiên nhiên… Tuy nhiên phong trào cũng sẽ lụi tàn theo năm tháng nếu chúng ta không thay đổi từ trong nhận thức.
Bảo vệ môi trường cần tự giác và trách nhiệm
Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều phong trào trong nước, thậm chí là quốc tế được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt liệt nhưng chỉ dừng lại ở chỗ tự phát động, đưa lên Facebook câu like để rồi sau một thời gian, những phong trào đó cũng cáo chìm vào dĩ vãng và người dân vẫn cứ xả rác, phóng uế bừa bãi, chặt phá cây rừng, xả thải ra kênh rạch… Như vậy, rõ ràng chúng ta đang chạy theo trào lưu, hình thức chứ chưa quan tâm thực sự đến môi trường, mặc dù thông điệp của những người khởi xướng rất tâm huyết. Cũng có bạn tham gia rất tích cực nhiều phong trào, nhưng môi trường là một phạm trù quá rộng, một bàn tay cũng không thể làm được gì nhiều.
Gần đây nhất là nhiều siêu thị trong nước đã hưởng ứng từ phong trào từ siêu thị Thái Lan, tận dụng lá chuối gói hàng nhằm bảo vệ môi trường. Với cách làm đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư biểu dương Co.opmart, Big C đã chủ động sử dụng sản phẩm tự nhiên để gói, bọc thực phẩm thay thế túi nylon nhằm bảo vệ môi trường. Người tiêu dùng rất thích thú với hình ảnh bó rau được gọi bằng miếng lá chuối đẹp mắt, nên bình luận tích cực trên diễn đàn báo mạng và mạng xã hội. Về mặt an toàn sức khỏe, thân thiện môi trường và tính thẩm mỹ thì lá chuối tốt hơn nhiều so với nylon. Vì thế cần nhân rộng những hình ảnh này nhiều hơn để thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Ngoài lá chuối cũng có thể sử dụng lá sen, lá bạc hà (đọt mùng), lá dong, khoai môn ngọt… Những loại cây này, khi đã sử dụng thân rồi đem bỏ lá rất là phí phạm. Ngoài ra, vật liệu để buộc hàng cũng nên làm từ dây chuối, dừa nước, tre, đay… thay vì dùng dây dựa, dây thun. Hay phong trào giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách tuyên truyền người dân mang chai, lọ của mình đi mua cà phê để hạn chế ly nhựa, ống hút.
Tuy nhiên những phong trào này liệu có thay đổi được cách nhận thức của người dân về việc sử dụng những chất liệu thân thiện với môi trường hay rồi chỉ được vài tháng rồi lụi tàn?
Thiết nghĩ, để môi trường xanh-sạch-đẹp thì chúng ta cần thay đổi từ ý thức, sự tự giác chứ không phải chạy theo phong trào cho giống người khác, làm nổi, gây sự chú ý. Bởi ngay cả khi không có những phong trào thì chính bản thân chúng ta cũng hiểu và nhận thức được môi trường đang bị hủy hoại như thế nào. Thế cho nên chúng ta cần phải chịu trách nhiệm cho việc môi trường bị ô nhiễm và phải ra sức sửa sai, bảo vệ.
Nhiều trường Đại học đã mạnh dạn đào tạo ngành Môi trường và thu hút nhiều sinh viên theo học.
Hiện nay ở nhiều trường Đại học trên cả nước đã mạnh dạn đào tạo ngành Môi trường và thu hút được nhiều sinh viên theo học, họ đã thay đổi được cách nhìn của mọi người với môi trường và họ đang ra sức đóng góp nguồn nhân lực cho ngành Môi trường. Hàng năm, ngành Môi trường của ĐH Duy Tân đào tạo cho xã hội hàng nghìn sinh viên ngành Môi trường có đủ kiến thức và kỹ năng hành nghề cũng chính là minh chứng cho hành động tích cực đó. Vì thế, hãy lựa chọn ngành Môi trường để cùng chung tay hành động bởi bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của chúng ta.