Môi trường
Sông nhiễm mặn, nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt
Những ngày qua, nắng nóng kéo dài, sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng trở lại, các nhà máy nước khai thác nguồn nước thô từ các suối, hồ chứa gặp khó nên nhiều khu vực dân cư của thành phố bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, nhiều nơi nước chảy nhỏ giọt, thậm chí bị cúp hẳn nước.
Hồ chứa Sơn Trà bị cạn nước.
Nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt
Sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn liên tục trong mấy ngày qua, nhất là vào đêm 15-6 với độ mặn cao nhất là 993mg/l (lúc 21 giờ) và sáng 16-6 (949mg/l)… Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) phải bơm nước từ đập dâng An Trạch về để sản xuất.
Theo quan sát của phóng viên, do hồ chứa cung cấp cho Trạm cấp nước Sơn Trà 1 bị cạn khô nước, hiện tại đang được nạo vét bùn nên trạm cấp nước có công suất từ 5.000 – 6.000m3/ngày đang ngừng hoạt động.
Trạm cấp nước Sơn Trà 2 đang hoạt động chập chờn do suối Đá cạn nước, phải mất khoảng 6 giờ mới có đủ nước chảy vào bể với dung tích 200m3 để xử lý. Trạm cấp nước Sơn Trà 3 khai thác nguồn nước hồ Xanh cũng hoạt động khó khăn.
Trong khi đó, nhiều người dân ở các khu vực của quận Sơn Trà như: Nại Hưng A, B, C (phường Nại Hiên Đông), Khu dân cư An Cư 3 (phường Phước Mỹ), đường Phó Đức Chính (phường Mân Thái)… bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào các giờ cao điểm, đặc biệt là từ 17 giờ chiều đến 22 giờ đêm.
Một số khu vực dân cư ở phường Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn)… cũng bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ trong những ngày qua vào các giờ cao điểm, nhất là buổi tối.
Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco cho hay: “Độ mặn của sông Cầu Đỏ không lớn. Các nhà máy nước ở bán đảo Sơn Trà hiện cũng còn cấp nước được khoảng 1.500m3/ngày. Do trời nắng nóng, người dân sử dụng nước nhiều nên đã xảy ra thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào giờ cao điểm”.
Tình hình nhiễm mặn sông Cầu Đỏ và thiếu nước sinh hoạt cục bộ sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trong những ngày đến do chế độ bán nhật triều và việc vận hành xả nước về sông Vu Gia của các nhà máy thủy điện không luân phiên trong dịp cuối tuần (nhất là vào ngày 15-6-2019) theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm dòng chảy, mực nước trên sông biến động lớn.
Cùng với đó, việc sử dụng nước của người dân, khách du lịch gia tăng vì nắng nóng và đang trong mùa cao điểm du lịch hè. Vì thế, cần sớm có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ trong những ngày đến.
Kịch bản nào cho cấp nước an toàn?
Xuất phát từ điều kiện hạ tầng cấp nước, khí hậu khô hạn, nguồn nước thô bị nhiễm mặn và thiếu hụt từ các công trình hồ thủy điện đầu nguồn, thành phố Đà Nẵng vừa thông qua kịch bản ứng phó bảo đảm cấp nước an toàn năm 2019 theo Công văn số 3566/UBND-SXD ngày 31-5-2019.
Ba đối tượng chính tác động đến an toàn nguồn nước được xác định gồm: nguồn nước, nhà máy sản xuất nước và mạng lưới đường ống. Đối với nguồn nước có 8 kịch bản ứng phó sự cố, trong đó ứng phó với những tác động thường xuyên là nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, bị cạn dòng dẫn tới xử lý tình huống khẩn cấp là xây đập tạm ngăn dòng.
Đối với hoạt động của nhà máy cấp nước chủ động ứng phó với tình huống mất nguồn điện lưới, hư hỏng máy bơm… Đối với mạng lưới thì có sự cố vỡ đường ống cung cấp nước thô, nước sạch, đường ống dẫn nước ngầm qua sông Cầu Đỏ.
Theo kịch bản xử lý sự cố, đó là khi nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến năng lực vận hành xử lý của Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay; khi độ mặn từ 250-750mg/l, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) kết hợp vận hành trạm bơm nước thô An Trạch với công suất 210.000m3/ngày vừa lấy nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ 90m3/ngày.
Trường hợp mức độ nhiễm mặn tại sông Cầu Đỏ trên 750mg/l, thì vừa khai thác 210.000m3/ngày tại An Trạch, vừa yêu cầu các hồ thủy điện xả nước để đẩy mặn cho nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ.
Trường hợp các hồ thủy điện cạn nước không tham gia đẩy mặn nước sông Cầu Đỏ, Dawaco sẽ triển khai phương án cấp nước bằng xe bồn đến khách hàng, mức cấp bù khoảng 45.000m3/ngày; đồng thời thực hiện các giải pháp kỹ thuật cắt nước, cấp nước luân phiên theo giờ, theo địa bàn trong trường hợp nguồn nước thô tiếp tục thiếu hụt.
Đối với kịch bản ứng phó sự cố ở mức độ nguy hiểm khi nguồn nước sông Cầu Đỏ tiếp tục nhiễm mặn, trạm bơm An Trạch cũng thiếu hụt nguồn nước (dưới 1,6m tại đập An Trạch) thì tiến hành xả cửa đáy đập An Trạch để đẩy mặn và chỉ khai thác nguồn nước thô tại sông cầu Đỏ dưới ngưỡng nhiễm mặn 300mg/l.
Trong tình huống này, nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn cao hơn 300mg/l thì Ban chỉ đạo cấp nước an toàn họp khẩn để đưa ra giải pháp xử lý. Trong đó có phương án triển khai thi công đập tạm ngăn mặn trên sông cầu Đỏ để khai thác nguồn nước thô.
Kịch bản bảo đảm an toàn cấp nước năm 2019 cũng bố trí 91 điểm cấp nước bằng phương tiện xe bồn dung tích 1,5m3 để cấp nước sạch. Cụ thể, khu vực quận Sơn Trà bố trí: 12 bồn, quận Ngũ Hành Sơn: 23 bồn, quận Hải Châu: 11 bồn, quận Thanh Khê: 14 bồn, khu vực Liên Chiểu và bắc huyện Hòa Vang: 24 bồn, khu vực quận Cẩm Lệ và phía nam huyện Hòa Vang: 7 bồn.
Việc cấp nước bằng xe bồn căn cứ vào nhu cầu sử dụng nước và sử dụng nguồn cấp nước tại các trạm họng nước cứu hỏa và trạm bơm tăng áp trên mạng lưới cấp nước. Đối tượng ưu tiên trong cấp nước khi có tình huống xấu là bệnh viện, trường học, các khu sản xuất công nghiệp.
Hoạt động ứng phó sự cố cũng xác định kịch bản về phương tiện tham gia vận chuyển cấp nước bằng phương tiện xe bồn của Dawaco, Công ty CP Môi trường đô thị, phương tiện từ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và ký kết hợp đồng vận chuyển từ doanh nghiệp ở thành phố.
Các phương tiện vận chuyển cấp nước được phân công địa bàn hoạt động, thời gian hoạt động cấp nước bảo đảm liên tục để phục vụ nhu cầu sử dụng. Trường hợp bất khả kháng, việc cấp nước vào bồn lưu động bảo đảm tối thiểu 2 lần/ngày ở các khung giờ 7-9 giờ và từ 16-18 giờ.