Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor

Có chiều dài khoảng 14 km, sông Tô Lịch bị ô nhiễm nặng nề do người dân thành phố xả nước thải sinh hoạt trực tiếp chưa qua xử lý xuống lòng sông. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch vẫn tiếp tục phải tiếp nhận khoảng 150.000 m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, khiến mức độ ô nhiễm của dòng sông ngày càng trầm trọng.

Dự án “Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor” do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản. Trước mắt, các chuyên gia sẽ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật.

Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Công ty cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), công nghệ Nano – Bioreactor của Nhật Bản có 4 ưu điểm vượt trội so với các công nghệ hiện nay ở Việt Nam.

Thứ nhất, công nghệ này tạo ra oxy từ nước, vật liệu thiên nhiên bio… giúp kích hoạt các vi sinh vật, cuối cùng là các vi sinh vật này tạo ra enzim điện ly lực phân tử nước, giải phóng oxy vô tận trong nước.

Thứ hai, công nghệ nano phun trực tiếp bọt khi nano vào trong không khí và điều này giúp nồng độ oxy hòa tan cao, cá sẽ không bị chết hàng loạt.

Thứ ba, công nghệ này không bị tái ô nhiễm bởi hai yếu tố: vật liệu thiên nhiên được làm từ đá núi lửa, không tan trong nước và tồn tại mãi ở khu vực xử lý.

Hệ thống bio – nano khi được đặt xuống lòng sông sẽ trở thành “nhà máy” xử lý nước thải đặt trong lòng sông Tô Lịch với công xuất xử lý lên tới 1.350.000m3/ ngày đêm mà không cần phải xây dựng nhà máy. Dự án khởi động được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm nhiều năm nay của sông Tô Lịch.