Kiến thức kỹ năng
Ngộ độc thực phẩm: Những điều cần biết
Tình trạng bị ngộ độc thực phẩm thời hiện đại như ngày nay đang phổ biến ở khắp nơi, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 10/2018, cả nước đã xảy ra 91 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 2.010 người ngộ độc, trong đó có 15 trường hợp tử vong do ngộ độc rượu, nấm độc… Hiểu rõ được nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, các dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng tránh là vấn đề cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình.
- Định nghĩa
Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn hay trúng thực là các biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia.
- Nguyên nhân
– Do ăn phải thức ăn hoặc nước uống nhiễm độc trong quá trình sản xuất và chế biến, thực phẩm có thể bị nhiễm độc bất cứ lúc nào
– Do vi khuẩn có hại di chuyển từ bề mặt này sang bề mặt khác
– Do virus và kí sinh trùng, trong đó virus là nguyên nhân hàng đầu
– Do chất độc được sản sinh ra do vi khuẩn, có sẵn trong thức ăn hoặc do các vi khuẩn khác. Bên cạnh đó, chất độc có thể đến từ một số hóa chất nhất định.
- Đối tượng dễ mắc phải
Ngộ độc thực phẩm là bệnh mà mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải. Tuy nhiên, có 1 số đối tượng có khả năng bị nhiễm cao hơn.
– Người lớn tuổi: quá trình lão hóa khiến cho hệ miễn dịch bị yếu đi và không phản ứng lại với vi khuẩn gây hại.
– Phụ nữ mang thai: quá trình mang thai dẫn đến một số thay đổi trong chuyển hóa và tuần hoàn, khiến bạn có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.
– Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: đây là lứa tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện.
– Người mắc bệnh mãn tính: như bệnh tiểu đường, bệnh gan hoặc AIDS.
- Dấu hiệu và triệu chứng
– Đau bụng, co cứng bụng
– Buồn nôn, lợm giọng, nôn
– Tiêu chảy
– Sốt nhẹ, các triệu chứng giống cúm
– Chán ăn
– Yếu và mệt mỏi
– Đau đầu, choáng váng, chóng mặt
– Đau khớp và cơ
– Mất nước và các muối khoáng quan trọng
Lưu ý: Bạn nên đến khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu sau:
– Thường xuyên nôn ói
– Nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu
– Tiêu chảy kéo dài hơn 03 ngày
– Đau bụng dữ dội
– Nhiệt độ trong miệng cao hơn 38,6 độ
– Khát nước, khô miệng, đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, cơ thể yếu trầm trọng, hoa mắt, chóng mặt
– Tầm nhìn bị mờ, cơ yếu và ngứa ran cánh tay
- Cách chăm sóc tại nhà
– Ăn những món ăn nhạt như chuối, cơm, xốt táo, bánh mì nướng, bánh quy mặn, khoai tây nghiền…giúp xoa dịu dạ dày và không kích thích cảm giác buồn nôn. Không nên ép bản thân ăn hoặc ăn vội, ăn quá nhiều.
– Cần uống càng nhiều nước càng tốt để bù lại lượng chất lỏng mất đi. Uống từng ngụm nhỏ, tránh uống nhiều nước cùng lúc. Thử uống nước lọc, nước gạo, nước lúa mạch, trà đã tách caffeine hoặc nước ép hoa quả cũng như nước hầm hoặc súp cũng là cách bổ sung dinh dưỡng và cung cấp nước. Nếu không uống được nước, phải đi khám ngay để truyền dịch.
– Tránh tiêu thụ sản phẩm từ sữa, thức uống chứa caffeine và cồn; tránh tiêu thụ thức ăn cay hay nhiều dầu mỡ; tránh tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ.
– Dùng thảo mộc, giấm táo, xoa dịu dạ dày bằng mật ong và gừng
– Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt để hồi phục sức khỏe.
– Rửa tay thường xuyên để ngăn lây truyền vi khuẩn
– Không dùng chung khăn tắm hoặc xử lý thức ăn của người khác.
Lưu ý: Trường hợp phải dùng thuốc uống thì phải hỏi bác sĩ, nếu bạn bị dị ứng, đang mang thai hoặc đang cho con bú.
- Cách phòng tránh
– Chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm.
– Vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến, nấu chín, mở vung khi đun nấu, thực hiện ăn chín, uống sôi; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu.
– Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm, sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ.
– Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ, ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong, bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn.
– Giữ vệ sinh cá nhân tốt.
– Sử dụng nước sạch trong ăn uống, vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
– Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.