Kiến thức kỹ năng
Bí kíp mua thực phẩm “ngon”
Thực phẩm sạch đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các gia đình. Để tránh mua phải thực phẩm bẩn, ngoài việc nên mua ở những nơi đáng tin cậy, có dấu kiểm dịch vệ sinh thú y thì mỗi người cũng phải có kiến thức, kinh nghiệm. Bài viết sẽ chia sẻ 1 số bí kíp mua thực phẩm ngon và an toàn cho người tiêu dùng.
- Thực phẩm đóng gói sẵn và có nhãn mác đầy đủ
Nhóm thực phẩm đóng hộp hiện nay cũng khá phổ biến và được nhiều khách hàng tin dùng, vì vậy cần lưu ý một số thông tin chung để chọn đồ hộp an toàn như sau:
– Sản phẩm bao gói phải nguyên vẹn như ban đầu của nhà sản xuất, nhãn mác phải có đủ thông tin chính liên quan đến sản phẩm.
– Đối với thực phẩm chế biến sẵn, cần có thêm thông tin về các phụ gia thực phẩm thường được sử dụng như chất bảo quản, phẩm màu. Người tiêu dùng cần lưu ý đọc kỹ thông tin thành phần trên nhãn thực phẩm để tránh nếu có khả năng dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong thực phẩm.
– Sản phẩm phải được bảo quản ở điều kiện phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất.
– Hạn sử dụng của các loại đồ hộp thường khá dài, nên lưu ý chọn các sản phẩm còn hạn sử dụng. Không chọn và sử dụng các loại sản phẩm đóng hộp nếu có các hiện tượng: hộp bị phồng ra ở nắp hoặc các vị trí khác; bao gói đồ hộp bị hở hoặc rò rỉ, bị móp hoặc biến dạng do va đập mạnh; đồ hộp khi mở ra có mùi hôi, mùi lạ khác với mùi đặc trưng của sản phẩm.
- Thực phẩm tươi sống
a. Chọn các loại thịt
Chọn thịt còn tươi ngon phải có màu sắc và mùi đặc trưng của từng loại, không có mùi hôi, mùi lạ, bề mặt khô ráo không rỉ nước, có độ đàn hồi tốt.
Đối với thịt gia súc nên chọn loại có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường. Tránh mua thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.
Đối với thịt chế biến sẵn như thịt quay, giò, chả,…chỉ nên mua ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, quầy bán đảm bảo vệ sinh.
Đối với thịt đông lạnh cần xem kỹ nhãn mác xuất xứ và hạn sử dụng ghi trên bao bì và thiết bị bảo quản.
b. Chọn thủy hải sản
Thủy hải sản nên chọn các loại thực phẩm tươi, còn sống là ngon nhất, hoặc nếu không còn sống phải được bảo quản trong đá lạnh dù là bán trong siêu thị hay ở chợ truyền thống. Người tiêu dùng nên quan sát kỹ đặc điểm bề ngoài để không mua nhầm: cá nóc, bạch tuộc đốm xanh, ốc lạ, cua ghẹ lạ… nhằm tránh bị ngộ độc.
– Các loại cá:
Chọn con cá còn tươi, mình cá ít nhớt, có mùi tanh đặc trưng, mang khép kín màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm. Mắt cá sáng và hơi lồi. Thịt cá chắc, sự đàn hồi cao, không để lại vết ấn của ngón tay trên thịt cá. Vảy cá óng ánh, bám chặt thân cá.
Nếu cá có những biểu hiện sau thì không nên mua: mang cá không còn màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm nhưng nhìn bề ngoài cá vẫn rất tươi; bên trong thịt nhũn, lỏng lẻo, không dính chặt với xương; dễ tróc vẩy và có mùi tanh khác thường.
– Các thủy hải sản khác:
Nên chọn những con còn tươi, nguyên con, đầu dính chặt với thân; sờ vào có cảm giác mềm dẻo, căng tự nhiên, độ đàn hồi cao; ngửi có mùi tanh đặc trưng, không có mùi lạ (như mùi khai, mùi hắc, mùi hôi…).
Điển hình như tôm tép chọn loại vỏ sáng lóng lánh, dài và trơn láng. Nghêu sò ốc phải mua khi còn sống. Mực nang thì nên chọn mực có thịt trắng như mứt dừa là ngon, mực ống thì nên chọn loại vừa, không quá lớn, chưa vỡ túi đen. Các loại thủy hải sản khác nên chọn loại còn tươi, có màu sắc bình thường, đặc biệt không có mùi ươn hôi.
Đối với các loại thủy hải sản đã chết thì phải thận trọng khi mua, vì chúng có thể bị tẩm ướp các hóa chất độc hại như ure, hàn the, formol…
c. Chọn rau, củ, quả
Yếu tố đầu tiên, chúng ta nên lựa chọn địa điểm bán hàng có uy tín, chất lượng. Lựa chọn những loại rau củ màu sắc tươi xanh tự nhiên, cầm chắc tay, bề ngoài nguyên vẹn không bị trầy xước.
Đối với một số loại rau ăn lá không nên chọn rau có bề mặt nhẵn bóng, xanh mướt. Đối với các loại rau dạng củ, quả nên chọn các loại trơn nhẵn, da căng, không bị dập nát, màu sắc củ phải đồng nhất. Không mua những loại thực phẩm đã mọc mầm nhất là khoai tây. Cà chua xanh thì cần phải ủ cho chín ngả sang màu đỏ để làm mất đi chất solanine rồi mới nên ăn. Không nên mua những loại củ quả được gọt sẵn ngoài chợ.
Lưu ý chung:
– Nếu thực phẩm được bán ở cửa hàng, siêu thị, nên chọn các thực phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp với sản phẩm.
– Nếu phải mua thực phẩm ở chợ truyền thống, nên chọn các hàng quen hoặc có uy tín để mua.
– Tránh các quầy bán hàng gần khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao như cống rãnh thoát nước thải, khu vực có rác thải, gần nhà vệ sinh.
– Nên chọn các quầy hàng được bày riêng biệt các loại rau, củ, quả với các loại thịt, sản phẩm gia cầm và thủy hải sản.